THIÊN KIM KÍNH CHÚC QUÝ KHÁCH HÀNG MỘT NĂM MỚI AN KHANG,THỊNH VƯỢNG.ĐỂ ĐĂNG KÝ TÌM GIÚP VIỆC HÃY GỌI: 0983.608.157 (zalo)

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Giúp việc gia đình cần được coi là một nghề



(LĐ) - Ngày 14.8, Trung tâm Trí thức bách khoa giáo dục thuộc Hội Khuyến học VN làm lễ phát chứng chỉ tốt nghiệp cho 10 nhân viên giúp việc gia đình (ảnh). Đây là trung tâm đầu tiên tại HN đào tạo có bài bản cho nhân viên giúp việc gia đình, chăm sóc người già, trẻ sơ sinh, người ốm... Nói về các hoạt động của trung tâm, bà Nguyễn Thị Cát - GĐ trung tâm cho biết:


Tôi có người ốm nằm viện phải thuê người trông nom với mức giá 70.000-80.000đ/ngày, nhưng những người này không hề có kỹ năng về chăm sóc người ốm. Tại các bệnh viện, rất nhiều gia đình có người bệnh có nhu cầu thuê người trông nên đã hình thành đội ngũ chuyên trông bệnh nhân. Đội ngũ này rất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường ở bệnh viện.

Tôi nghĩ, do nhu cầu như vậy nên cần phải có những người chăm sóc chuyên nghiệp được học các kỹ năng chăm sóc người ốm và được quản lý. Trung tâm đã mở khoá đào tạo đầu tiên vào tháng 6.2007 cho 5 chị đã trông người ốm vài năm tại Bệnh viện Hữu Nghị. Đến nay, 14 học viên đã tốt nghiệp với các công việc chuyên chăm sóc người bệnh, chuyên giúp việc gia đình, chuyên chăm sóc trẻ sơ sinh.

Sau khoá đào tạo 1-2 tháng, hầu hết các chị đều có những kiến thức cơ bản về kỹ năng vệ sinh thân thể, ăn, mặc, dìu người bệnh, các kỹ thuật cấp cứu thông thường, xoa bóp, bấm huyệt, nấu các món ăn, cách sử dụng các dụng cụ thông thường trong gia đình... Đặc biệt, các chị còn được học về tâm lý, kỹ năng giao tiếp...

Việc đào tạo nghề này rất mới mẻ, bà có ý tưởng sẽ tổ chức các khoá huấn luyện cho đội ngũ chăm sóc người ốm tại các bệnh viện?

- Tôi rất muốn vậy, bởi như thế các bệnh viện sẽ quản lý được chặt chẽ lao động tự do ra vào bệnh viện hàng ngày, góp phần bảo đảm vấn đề an ninh trật tự trong bệnh viện. Giúp cho người nhà bệnh nhân có được người hỗ trợ chăm sóc có kỹ thuật. Và giúp cho người lao động có nghề, có việc làm và thu nhập hỗ trợ gia đình giảm bớt khó khăn. Hơn nữa, xã hội cần nhìn nhận đó là một nghề nhằm hỗ trợ cuộc sống gia đình.

Những người làm nghề này đa số ở các vùng quê, dân trí không cao. Vậy việc dạy cho họ các kỹ năng chăm sóc có quá khó khăn?

- Trung tâm mời các giáo viên là điều dưỡng viên, bác sĩ tại các bệnh viện Việt - Đức, Xanh Pôn... hướng dẫn họ trực tiếp lý thuyết và thực hành. Do các chị đã có thời gian chăm nom bệnh nhân nên họ có thể tiếp thu được ngay. Sau mỗi khoá học, các giáo viên phải kiểm tra từng học viên phải làm thuần thục các kỹ năng mới cấp chứng chỉ.

Người giúp việc khi được cấp chứng chỉ đến làm việc tại các gia đình sẽ có những ràng buộc gì và trung tâm có phải chịu trách nhiệm về họ?

- Trung tâm sẽ hợp đồng với họ với các điều khoản cụ thể: Thu 1 tháng lương đầu tiên phòng khi xảy ra các vi phạm để đền bù cho gia đình, được mua BHXH tình nguyện. Người đến thuê sẽ có hợp đồng bảo lãnh và phải nộp cho trung tâm 300.000-400.000đ tiền chi phí đào tạo nghề.

Chi phí cho mỗi khoá học và chi phí mà người thuê cần trả là bao nhiêu?

- Dự kiến mức thu là 200.000đ cho 1 khoá học 2 tháng, 100.000đ cho khoá học 1 tháng theo các chuyên đề chăm sóc người già, người ốm hoặc trẻ sơ sinh... Còn chi phí người thuê trả cho người giúp việc tối thiểu là 800.000đ/tháng.

Xin cảm ơn bà

Ông Phạm Huy Thụ - đại diện Hội Người cao tuổi: "Đây là việc làm rất nhân đạo". Nhu cầu có người giúp việc gia đình, nhất là gia đình có người cao tuổi rất lớn. Tại chỗ tôi ở, 50% số gia đình đều có người giúp việc, nhưng do không có các kiến thức, kỹ năng làm việc nên họ chưa được tin cậy và thường xuyên mất việc. Có gia đình 2 năm phải thay 8 người giúp việc. Trung tâm TTBKGD mở lớp đào tạo cho người giúp việc là vô cùng cần thiết, mang tính nhân đạo cao. Nếu học có được chuyên môn tốt thì xã hội cần công nhận cho họ có một nghề. Trung tâm này đã khởi xướng ra một hướng đi mới cho rất nhiều lao động.

Chị Đặng Thị Lan - học viên khoá 1 của Trung tâm Trí thức bách khoa giáo dục: "Chúng tôi vẫn bị coi như là người ở". Tôi đã có 2 năm chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị, đã từng làm nghề giúp việc tại Đài Loan. Tôi thấy nhu cầu này rất lớn, có khoảng 80% số bệnh nhân nằm tại Bệnh viện Hữu Nghị cần thuê người chăm sóc. Tại các bệnh viện hiện có khoảng hơn 200 lao động làm nghề trông nom bệnh nhân. Lúc đầu mới làm nghề này, tôi chưa biết phải làm gì, thường thì gia đình người bệnh hướng dẫn, sau quen dần. Khi nghe nói có lớp học về chăm sóc người ốm, tôi đã đăng ký học. Đúng là có học có khác, tôi đã rất tự tin khi chăm sóc người bệnh theo đúng bài bản. Chúng tôi nghĩ đây là một nghề cần thiết cho nhiều gia đình, nhưng xã hội vẫn nhìn nhận chúng tôi như là người ở, không coi trọng. Tôi muốn nghề này cần được coi là một nghề như bao nghề khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét